Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

HẠNH CÁC THÁNH THEO NĂM PHỤNG VỤ do linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT, Ðàlạt phụ trách

http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/Saints/MainSaints.htm

TÌM HIỂU ÐỨC TIN CÔNG GIÁO

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/GiaoLyMarkLink/GioiThieu.htm

Những Bài Ðọc Lời Chúa Trong Thánh Lễ Hằng Ngày và Những Bài Suy Niệm Trong Giờ Kinh Gia Ðình

Xin Click chuột vào liên kết này
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/loichua/loichua.htm

THÔNG TIN HÀNG TUẦN GIÁO XỨ. Số 92

Số 92- Chúa Nhật  26-04-2015
Chúa Nhật IV Phục Sinh
Mục Tử Nhân Lành
(Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)
X Lời Chúa: (Ga 10, 11-18)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói: 11 "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. 

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

fiml DVD ĐƯỜNG VỀ NÚI CÚI ( Tư Liệu Trung Tâm Hành Hương Xuân Lộc )

&ap=%2526fmt%3D18

Những ngày tháng cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II

&ap=%2526fmt%3D22

Chuyến tham quan Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi của HĐGM Việt Nam

Ðức Ông Nguyễn Văn Tài: Cây đại thụ truyền thông Công Giáo đã về với Chúa

Ðiền Sơn Thạch: Tiễn Biệt Người Thầy
Tối hôm qua tôi còn nghe được bài chia sẽ của Ô. trên đài Chân lý Á châu . Tôi không nghe lầm , nhưng giờ đây nghe tin Ô. đã mất, tôi nghĩ những gì tôi nghe được, là những gì đã ghi âm lại. Ðặng Thế Dũng đã trở nên quen thuộc với những bạn nghe đài Chân lý Á châu. Sự ra đi của Ô. để lại cho lòng thính giả nghe đài niềm tiếc thương - ngở ngàng. Ô. đã đi một chặng đường dài, đóng góp rất nhiều vào việc loan báo Tin Mừng, và thăng tiến con người, mà công lao đó không mấy ai làm được. Nhờ Ô. chúng tôi, những người nghe đài đã biết chọn lựa được những của ăn tinh thần quí giá. Và biết vận dụng những phương tiện truyền thông trong thế giới hiện đại này, để phục vụ cho phần rỗi của mình, và góp phần lắng nghe - truyền bá ánh sáng Tin Mừng vào trong đời sống.

Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 02h30 sáng Thứ Ba ngày 21 tháng 04 năm 2015.

Những điều ấy không phải dễ dàng với xu thế thời đại ngày nay, một khi sự chọn lựa luôn nghiên chiều theo sở thích, và thỏa mãn nhu cầu vật chất. Luôn bị lấn át bởi bao nhiêu tiếng ồn, những xung động thời đại của kỹ thuật tiên tiến. Mà những sự lôi kéo đó, không mấy gì có thể dứt bỏ một sớm, một chiều. Cuộc vật lộn này, giữa Tin Mừng và thế gian vẫn mãi sẽ đeo bám con người cho đến tận thế. Mà chỉ có Thánh giá và sự Phục sinh của Ðức Kitô mới giải thoát.
Nhờ những gì nghe được và thu nhận vào trong đời sống, những giá trị của Tin Mừng, tôi biết rằng đời mỗi người, đều là những cuộc vượt qua. Bao lâu vẫn còn khao khát biến đổi cuộc đời, bao lâu còn trăng trở với kiếp người, thì bấy lâu còn phải bám víu vào Thập giá và Phục sinh nơi Ðức Kitô. Chúng là những hiện thực nơi đời sống, thân phận của mỗi người. Và trên thế giới hiện nay, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối đang đến hồi cực điểm của tranh chấp. Những người có đức tin và thực hành những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống, đã gần như trở thành thiểu số, luôn bị áp đảo và lấn lướt bởi xu thế và những trào lưu của thời đại tiên tiến, luôn bị lèo lái, ngã chiều theo những đòi hỏi của vị kỹ, hơn là ý thức về một mối tương - hệ trong cộng đồng nhân loại.
"Chiến đấu qua cửa hẹp", Lời nhắn nhủ nơi Ðức Kitô vẫn còn vang vọng trong tâm hồn của những kẻ tin. Bên cạnh những cam go, thử thách, mà thường khi gieo những chán chường, thất vọng. Và một bên sự xác tín vào niềm hy vọng mai hậu. Chúng tưởng chừng luôn để lại những đau khổ, đắng cay trên thân phận, và nỗi niềm thất vọng. Mà ngược lại, chúng như những dấu tích của tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, ngang qua thập giá của người tin đã gánh vát.
Những điều đó, không mấy ai dễ dàng cãm thấu, ngoài trừ những Tin - Yêu. Như lời nói của Thánh nữ Madadela, trước mộ Chúa: "Họ đã lấy mất đi Chúa tôi rồi". Chỉ khi thật sự để cho những giá trị của niềm tin và Tình yêu chiếm hữu cuộc đời, thì khi ấy mới cảm nhận được một cuộc đời mất Chúa, từ đây bơ vơ lạc lỏng, chỉ còn những nổi trống vắng trong tâm hồn.
Những điều đó luôn là hiện thực trong cuộc sống, trên thân phận của bao người cùng khổ. Của bao hy sinh, quên mình vì hạnh phúc của kẻ khác. Chúng luôn là những dấu tích của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như những của lễ hiến tế đền thay tội lỗi con người. Ta thử hỏi, nếu không có những điều này, nhân loại trên trái đất này đã phải gánh lấy những hậu quả tàn khốc của tội lỗi, và đã phải bị diệt vong từ bao giờ.
- - - - - - - - - - - -
Ðức ông Phêrô Nguyễn văn Tài, thành viên đồng sáng lập Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam Hải ngoại
Lm Gioan Trần Công Nghị 4/20/2015
Chúng tôi vừa nhận được tin Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài đã ra đi và an nghỉ trong Chúa tại Saigòn, thật là một tin đột ngột và gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm quá khứ xa xưa, một người bạn, một người anh em, một đồng chí cùng sát cánh làm việc trong lãnh vực truyền thông Công Giáo bao nhiêu năm qua.
Cá nhân tôi biết Ðức ông Tài lúc đầu là trong thời gian cùng học bên Roma từ quãng năm 1968 tới 1971. Rồi sau đó khi đức ông phụ trách Ðại Phát thanh Veritas, chúng tôi thỉnh thoảng có trao đổi thông tin.
Ðặc biệt trong thời gian năm 1980 khi thuyền nhân người Việt Nam sống tạm cư tại đảo Palawan và ở Baatan, tôi được Ủy Ban Di Dân Công Giáo Quốc tế International Catholic Migration Commission (ICCM) cử đến trại làm một cuộc nghiên cứu về tình hình người di cư trong các trại tị nạn trong vòng 3 tháng trời, tôi đã có dịp đến thăm đài Veritas và gặp gỡ Ðức ông trao đổi kinh nghiệm về di cư cũng như về truyền thông.
Chúng tôi trao đổi thông tin và các cuộc điện đàm thường xuyên hơn, nhất là từ sau khi thành lập Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận và những cuộc gặp gỡ nhau. Biết bao nhiêu kỉ niệm đang sống lại...
Tắt một lời, với tôi, Ðức ông Phêrô là một người anh em bình dị, nhã nhặn, từ tốn và rất hăng say trong sứ mạng truyền thông đã được trao phó. Là một người nhiệt huyết hết lòng dấn thân cho Giáo Hội và Quê hương Việt Nam, dù có những khi gặp sóng gío và khó khăn, nhưng với nụ cười niềm nở hiền hòa, ngài đã mở ra cánh cửa đối thoại chân thành cho người đối diện. Và đó chính là chìa khóa cho sự thành công của đức ông Phêrô.
Nhân dịp này, chúng tôi các thành viên Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam hải ngoại, xin dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Ðức ông Phêrô, xin Chúa trả công cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Và với tâm tình tri ân sâu xa một người đã cùng sát cánh với chúng tôi trong lãnh vực tông đồ truyền thông Công Giáo trong suốt nhiều năm qua.
- - - - - - - - - - - - -
Ðức Ông Nguyễn Văn Tài: Cây đại thụ truyền thông Công Giáo đã về với Chúa
Micae Bùi Thanh Châu 4/20/2015
Tờ mờ sáng, nghe tin Cha đã ra đi ! Cây đại thụ truyền thông Việt Nam: Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài đã ngã!
Một ơn gọi rất đặc biệt đến với Ðức Ông Phêrô.

Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 02h30 sáng Thứ Ba ngày 21 tháng 04 năm 2015.

Ðức Ông là người con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em. trong một gia đình nông dân ở họ đạo Rạch Lọp, giáo phận Vĩnh Long. Khi được 10 tuổi, Ðức Ông được gửi vào Tiểu Chủng Viện và đi tu từ đó. Và rồi Ðức Ông lãnh sứ vụ linh mục nhưng gần như cả đời Ðức Ông chưa bao giờ làm cha sở.
Hơn một lần tôi được nghe Ðức Ông chia sẻ cuộc đời Ðức Ông như cuộc đời của ngôn sứ Gio-na. Khi đang học ở Roma năm thứ hai, Ðức Ông được cha thư ký của Ðức Thánh Cha thông báo cha sẽ đi Phi Luật Tân để làm việc cho Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu.
Nghe tin ấy, Cha như người từ trên trời rơi xuống đất vậy. Với bản tính của con người, ai ai muốn an thân cũng như không muốn cuộc sống bị xáo trộn, Cha cũng vậy, Cha không muốn đi và lấy cớ sang Ðức học tiếng, nhưng cũng chỉ học được một kỳ hè và phải trở về Roma chuần bị cho nhiệm vụ ở Manila.
Cha vẫn cứ đinh ninh rằng Cha làm việc cho đài vài ba năm nhưng Chúa để Cha hiện diện như một ơn gọi đặc biệt suốt 38 năm. 38 năm dài đăng đẳng với công việc âm thầm trong một góc phòng để làm truyền thông, để loan báo Tin Mừng cho Chúa một cách khiêm hạ.
Một cuộc đời dài loan báo Tin Mừng qua Radio, chẳng ai biết mặt nhưng chỉ biết giọng của Ngài, giọng đọc của Cha không lẫn đi đâu được. Giọng đặc sệt người miền Nam truyền cảm và nhẹ nhàng đã để lại trong lòng thính giả qua những dòng tin tức, những dòng suy niệm Tin Mừng và những câu chuyện Cha góp nhặt trong Lẽ Sống.
Ai cũng nhớ, thời bao cấp ở Việt Nam cũng là thời có quá nhiều khó khăn của nền kinh tế thế giới và Châu Á, nhờ Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu mà biết bao nhiêu anh chị em không có điều kiện tham dự thánh lễ được thông công. Hơn thế nữa, không ai thống kê được đã có bao nhiêu anh chị em nhờ vào cái radio nho nhỏ và giọng đọc trầm ấm mỗi ghe được mà xin rửa tội gia nhập vào Giáo Hội. Những công việc âm thầm trong phòng thu âm và những ngày tháng rút ruột nhả tơ để có chương trình phát mỗi ngày quả là một thách đố lớn.
Ðiều kỳ diệu là Ðức ông đã miệt mài cần mẫn trong công việc đòi hỏi nhiều tài lực này suốt bốn thập kỷ.
Cha đã nhiều lần và quá nhiều lần tạ ơn Thiên Chúa đã cho Cha sống đến hôm nay và đó là một ngạc nhiên lớn cho Cha. Cha chia sẻ Cha ngạc nhiên vì khi chịu chức, Cha chỉ xin cho sống được 20 năm, vậy mà Chúa để cho đến hôm nay là 40 năm. Hơn thế nữa, Cha đã hai lần bị nhồi máu cơ tim và gần đây nhất một cơn nữa, vậy mà Chúa vẫn để cho Cha còn sống. Chắc có lẽ Chúa cứ cho Cha được gấp đôi.
Với ân huệ đó, Cha cũng dí dỏm: "Tôi xin Chúa cho tôi 40, có thể Chúa cho tôi gấp đôi chăng?"
Ước muốn của con người, mơ ước của một người tha thiết với loan báo Tin Mừng bằng truyền thông đã khép lại bởi giới hạn cũng như không qua khỏi bàn tay Thiên Chúa.
Do hoàn cảnh, do sứ vụ Cha đã rời xa quê hương vài chục năm trường nhưng ước mơ đau đáu được trở về quê hương luôn ở trong Cha. Chính vì thế, sau khi rời nhiệm vụ, Cha đã trở về quê hương để sống trong âm thầm lặng lẽ và nhất là để đón nhận những đau đớn từ căn bệnh thể xác mà Cha đang mang.
Sống âm thầm, làm việc cũng âm thầm và ra đi cũng âm thầm.
Ðức Ông chưa bao giờ nói rẳng phải sống như thế này như thế kia hay như cách tôi đã sống nhưng qua đời sống chân chất của một người miền Nam cũng đã để lại cho mọi người nhiều bài học. Ít nhiều về chuyện truyền thông, con đường truyền thông Ðức Ông đi là con đường ôn hòa và mềm mại. Ðã không biết bao nhiêu lần Ðức Ông như là sứ giả của Tin Mừng, sứ giả của Thiên Chúa để nối kết lại những hiểu lầm, những đối chọi của tôn giáo, của kỳ thị tín ngưỡng... tất cả đều âm thầm và dường như Ðức Ông không muốn cho ai biết công việc âm thầm đó. Ðức Ông không một lần phô trương rằng tôi đã làm được chuyện này chuyện kia trong đối thoại, trong giảng hòa một cách êm thắm ... và rồi Ðức Ông cũng không hề bám víu một chút gì đó cho Ðức Ông vào những ngày cuối đời.
Ẩn náu trong căn phòng nhỏ bé của các nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán đối với Ðức Ông cũng là đủ.
Ðức Ông đã sống sứ mạng truyền thông cách đặc biệt bằng chính đời sống nhỏ bé khiêm nhu.
Cây đại thụ truyền thông Việt Nam đã ngã nhưng hình bóng cũng như cách sống của Cha vẫn còn mãi trong lòng của thính giả, của những ai đã hơn một lần quen biết Ðức Ông.
Xin Chúa thương đón nhận Ðức Ông và để cho Ðức Ông một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa như suốt cả cuộc đời Ðức Ông hằng mong ước. Lẽ nào cả cuộc đời loan báo Tin Mừng, loan báo Tình Thương Thiên Chúa cho mọi người mà Chúa lại bỏ Ðức Ông sao? Chúng con tin tưởng tín thác Ðức Ông vào lòng thương xót của Chúa.
Xin tạm biệt Ðức Ông và thầm mong gặp Ðức Ông trong Nước Trời.
- - - - - - - - - - - -
Nhớ Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
Micae Bùi Thanh Châu 4/21/2015
Con và Cha có duyên được sinh ra ở họ đạo nghèo của Vĩnh Long.
Sau những năm tháng thăng trầm của lịch sử, cha một nơi, con một nẻo. Vả lại, con là đứa con hoang đàng nên cũng ít có cơ hội gặp lại Cha. Con chỉ gặp Cha đôi lần có dịp cũng như sẻ chia những tâm tình, thao thức của Cha khi trở về với quê hương đất Việt.
Vẫn bình dị và dị rất là bình từ lời ăn tiếng nói cũng như cách ăn mặc, cách chi tiêu trong cuộc sống.
Một cuộc đời dài đăng đẳng ở trời Phi để giúp cho Giáo Hội trong âm thầm lặng lẽ, khi về già, Cha vẫn chọn cho mình một con đường khiêm hạ.
Những mối tương quan, những điều kiện lẽ ra có được với cương vị mà Cha cầm giữ suốt gần 40 năm cũng đủ để cho Cha có một nơi nghỉ dưỡng thật khang trang và đầy đủ như bao nhiêu người khác. Thế nhưng, vẫn âm thầm trong căn phòng nhỏ dưỡng bệnh của Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán thân quen. Ít ai có thể nghĩ ra được một cuộc đời lớn như thế mà lại thầm lặng như thế. Ðó là lối cha sống, cách cha chọn.
Như hành lý mang theo đến quê người đất khách gói ghém 20 ký hành lý trong tay thì khi trở về quê hương đất Việt cũng vậy! Như hành trang mà bà Cố gói ghém cho Cha như thế nào thì khi già bệnh cũng là như thế!
Nói như thế chứ không phải dễ sống bởi lẽ con người ai ai cũng muốn cho mình có chút gì đó để lại cho đời. Cha không nói gì nhưng Cha đã sống trọn vẹn cuộc đời dâng hiến cách khiêm nhu của Cha.
Ðặc biệt, Cha được Chúa ban qua bà Cố để Cha sở hữu một nụ cười rất đặc biệt với cái tên của Cha. Cha không chỉ có "Tài" để mang Chúa đến cho mọi người qua con đường truyền thông nhưng Cha còn có cái "Tài" để cho mọi người đến với Chúa, đến với Cha một cách gần gụi nhất đó là nụ cười và lối sống hiền hòa giản dị của một con người đặc sệt chất miền Nam.
Nhiều lần nhiều lúc có người này người kia quý mến cũng đã ngỏ ý và đã dành cho Cha những tấm chân tình để lo cho Cha về vật chất nhưng Cha vẫn lặng lẽ và không hề đòi hỏi cũng như chẳng bao giờ hưởng dùng. Ðặc biệt, những ngày dưỡng bệnh, Cha vẫn vui vẻ để dùng những gì dành cho những người bình dị nhất dù trong tư cách của một người được thụ hưởng.
Không phải con ca tụng, không phải con tâng bốc nhưng con tin chắc rằng anh chị em bất cứ ai khi hơn một lần tiếp xúc với Cha, làm việc với Cha, sống với Cha hay chỉ nhìn Cha ngang qua đều cảm nhận được một lối sống hiền hòa kèm với nụ cười dễ mến.
Cha thật "Tài" trong cách đưa Chúa đến với mọi người và Cha cũng thật "Tài" để hướng dẫn đời sống khiêm nhu cho chúng con.
Qua Cha, bản thân con học được chút gì đó bài học và con đường khiêm nhượng mà Cha đã đi. Và, đúng với thánh bổn mạng mà ông bà cố đặt để cho Cha ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy với thánh hiệu Phêrô. Ngày còn trẻ, Thánh Phêrô đi đâu thì đi nhưng khi về già, Chúa mới chính là người dẫn Phêrô. Cha cũng vậy, về già, Chúa đã dẫn Cha đi theo con đường của Chúa dành cách đặc biệt cho Cha trước khi Chúa gọi Cha về nhà của Chúa.
Giữa một cuộc sống mà người ta chạy theo đua đòi và hưởng thụ cũng như tìm kiếm quyền danh nhưng Cha đã chọn lối sống nghèo phải chăng là điều chúng con phải suy nghĩ. Lẽ ra Cha được tận hưởng những thành quả mà Cha đã làm cũng như những gì những người thương yêu dành cho Cha nhưng Cha đều từ khước để chọn con đường khiêm hạ cũng là điều chúng con phải học theo.
Con xin mạo muội thưa rằng Cha là một cuộc đời đáng sống và một cuộc đời đáng nhớ. Ðáng sống vì lẽ Cha đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ của Cha cách âm thầm qua cách lối của truyền thông. Ðáng nhớ vì Cha đã để lại cho chúng con gương mẫu của khiêm hạ hy sinh.
Cha đã đi rồi, chúng con nhớ Cha lắm! Chúng con nhớ nhất là lối sống bình dân giản dị của người nghèo miền sông nước Vĩnh Long.
Xin thắp nén hương lòng kính nhớ Cha và xin nhớ bài học khiêm hạ mà Cha đã để lại cho chúng con. Và, khi gần Chúa hơn, xin Cha cầu thay nguyện giúp để chúng con luôn bước theo Ðức Kitô trên con đường khiêm hạ.


Cha Phêrô ơi! Chúng con, bản thân con đây nhớ Cha nhiều lắm!

Cáo phó: Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

Cáo phó:
Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
nguyên Giám đốc chương trình Ðài Chân Lý Á Châu
(Radio Veritas Asia)
được Chúa gọi về vào lúc 2 giờ 30
sáng Thứ Ba, ngày 21 tháng 4 năm 2015
Hưởng thọ 68 tuổi


Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3 tháng 2
Vĩnh Long, Việt Nam

"Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25)

Cáo Phó

Tòa Giám Mục Vĩnh Long
trân trọng báo tin:
Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
(1947 - 2015)
Nguyên Giám Ðốc Chương Trình
Ðài Chân Lý Á Châu
- Sinh ngày 17-12-1947 tại Tập Ngãi - Rạch Lọp, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, thuộc Họ Ðạo Rạch Lọp, Giáo Phận Vĩnh Long.
- Vào Tiểu Chủng viện Vĩnh Long năm 1958.
- Từ năm 1965 đến năm 1973: học Triết và Thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X Ðà Lạt và tốt nghiệp tại học viện này với văn bằng Cử Nhân Thần Học.
- Ngày 19-12-1973: thụ phong Linh Mục tại Nhà Thờ Rạch Lọp.
-Từ năm 1974: Du học tại Ðại Học Truyền Giáo - Roma và tốt nghiệp với văn bằng Tiến Sĩ Triết Học.
- Từ năm 1978 đến nay: phục vụ tại Ðài Chân Lý Á Châu, Manila, Philippines
- Ðược Chúa gọi về vào lúc 2 giờ 30 sáng Thứ Ba, ngày 21 tháng 4 năm 2015, Hưởng thọ 68 tuổi
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 15g00, Thứ Ba ngày 21 tháng 4 năm 2015 tại Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Vĩnh Long.
Linh cửu Ðức Ông Phêrô được quàn tại Nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long,
Thánh lễ An táng cử hành tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long vào lúc 10g00 sáng Thứ Sáu ngày 24 tháng 4 năm 2015.
Sau Thánh Lễ An Táng linh cữu Ðức Ông Phêrô được đưa về Nhà thờ Rạch Lọp. Ngài sẽ an nghỉ nơi phần mộ các Linh Mục trong khuôn viên nhà thờ Rạch Lọp - Giáo Phận Vĩnh Long.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Ðức Ông Phêrô.
R.I.P.
- - - - - - - - - - - -
Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu Thông Báo:
Tin Buồn từ Ðài Chân Lý Á Châu , trong nỗi đau buồn thương tiếc, và trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, xin được thông báo đến mọi người: Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 02h30 sáng Thứ Ba ngày 21 tháng 04 năm 2015. Như một lời tri ân vì những đóng góp to lớn của Ðức Ông cho Ðài Chân lý Á Châu gần 40 năm qua, rất mong mọi người hiệp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Phêrô!
- - - - - - - - - - - -

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Đài Đức Mẹ


Thứ sáu Tuần Thánh đi 14 chặng đàng thánh giá


THÔNG TIN HÀNG TUẦN GIÁO XỨ. Số 91

                   
Số 91- Chúa Nhật  19-04-2015
Chúa Nhật III Phục Sinh
Anh Em Là Chứng Nhân
X Lời Chúa: (Lc 24,35-48)
35 Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
41 Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".
45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, 47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

X Suy Niệm
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma. Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma. Khi các môn đệ yếu đức tin, họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, họ mới thấy Ngài có thực. Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau. Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng. Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ. Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại. Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời. Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng. Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống. Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết. Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động. Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người. Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ. Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu. Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt, và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết. Họ phải là nguồn sống dồi dào, sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui. Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học. Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc. Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền. Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa, nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình, chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh, bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin. Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
X Cầu Nguyện
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa: "Các con hãy cho họ ăn đi."
Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.
------------------------------------------
Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi.
Vatican (SD 14-04-2015) - Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy xuất hành, ra khỏi bản thân và con người cũ, để tiến bước theo tiếng gọi của Chúa.
Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 52 sẽ được cử hành vào chúa nhật thứ 4 sau lễ Phục sinh, 26 tháng 4 năm 2015, với chủ đề "Xuất hành, kinh nghiệm cơ bản về ơn gọi".
 Trong sứ điệp công bố hôm 14 tháng 4 năm 2015, Ðức Thánh Cha gợi lại kinh nghiệm xuất hành của Dân Chúa, của các Tổ Phụ trong Cựu Ước, và ngài khẳng định rằng:
"Nơi căn cội của mỗi ơn gọi Kitô có một chuyển động cơ bản của kinh nghiệm đức tin: tin có nghĩa là rời bỏ chính mình, ra khỏi tiện nghi thoải mái và sự cứng nhắc của cái tôi để tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô; giống như Tổ Phụ Abraham rời bỏ quê hương, lên đường trong niềm tín thác, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ đường cho để tiến về đất mới. Sự "ra đi" này không phải là sự coi rẻ cuộc sống, tâm tình và nhân tính của mình, trái lại, ai lên đường theo Chúa Kitô thì sẽ tìm được cuộc sống sung mãn, đặt trọn bản thân phụng sự Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: "Ai từ bỏ gia cư, hoặc anh em, chị em, cha mẹ, hay con cái, đồng ruộng, vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp trăm và sẽ được sự sống đời đời làm gia sản" (Mt 19,29).
Ðức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng "Kinh nghiệm xuất hành chính là mô hình của đời sống Kitô, nhất là những người đón nhận ơn gọi đặc biệt tận hiến phục vụ Tin Mừng. Kinh nghiệm ấy hệ tại thái độ luôn tái hoán cải và biến đổi, luôn luôn tiến bước, đi từ sự chết đến sự sống.. Ơn gọi luôn luôn là một hoạt động của Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ban đầu của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, kéo chúng ta ra khỏi tập quán và sự dửng dưng, phóng chúng ta hướng về niềm vui hiệp thông với Thiên chúa và anh chị em. Vì thế, đáp lại tiếng gọi của Chúa chính là để cho Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ổn định giả tạo của mình để lên đường tiến về Chúa Giêsu Kitô là đích điểm đầu tiên và cuối cùng của đời ta, và là hạnh phúc của chúng ta".
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "tiến trình xuất hành hướng về Thiên Chúa và tha nhân như thế làm cho đời sống chúng ta đầy vui mừng và ý nghĩa". Ngài đặc biệt nhắc nhở điều đó cho các bạn trẻ và nhắn nhủ rằng: "Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ ra khỏi chính mình và lên đường! Tin Mừng là Lời giải thoát chúng ta, biến đổi và làm cho đời sống chúng ta trở nên tươi đẹp hơn.. Thật là đẹp dường nào khi để cho tiếng gọi của Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, đón nhận Lời Chúa và bước theo vết của Chúa Giêsu". (SD 14-4-2015)
G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)





PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
CN
19-04
CHÚA NHẬT III  PHỤC  SINH
T2
20-04

T3
21-04
Thánh Anselmô, giám mục, TsHT
T4
22-04

T5
23-04
Thánh Giorgiô, tử đạo
Thánh Ađalbertô, giám mục, tử đạo
T6
24-04
Thánh Fiđêlê Sigmaringen, linh mục, tử đạo
T7
25-04
THÁNH MARCÔ
TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
CN
26-04
CHÚA NHẬT IV PHỤC  SINH
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơnthiên triệu linh mục và tu sĩ
Ý LỄ TRONG TUẦN                   
Chúa Nhật
19-04
05h00
Maria Madalena+Giuse+Maria +Phêrô
Cầu bình an - tạ ơn
07h00
Tạ ơn
16h30
Tôma + Anna
T.2
20-04
Các linh hồn
T.3
21-04
Tạ ơn
T.4
22-04
Phêrô
T.5
23-04

T.6
24-04

T.7
25-04
Lễ cưới: Tôma Trần Công Minh Thiện
            Maria Nguyễn Hoàng Khánh Chi
RAO HÔN PHỐI
Nam
Phaolô Trần Thanh Tâm (25t, tân tòng)
C&Mẹ
Trần Ơn – Trần Thị Mai
Gx.
Bình Khánh    
Nữ
Maria Nguyễn Thị Kiều Tiên (25t)
C&Mẹ
Anrê Ng. Chánh Tính-Anna Trương T Thu Hà
Gx.
Tân Phú – Họ Vinh Sơn  



Giáo huấn số 21
SỨC MẠNH CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Với những ai đang đau khổ, một cách đặc biệt với chị em bệnh nhân và những ai tật nguyền, rằng với những đau khổ của mình, anh chi ẹm được kết hiệp với Hy tế của Chúa Kitô (x. Rm 12,2). Nhờ đau khổ mà anh chị em mang nơi thân xác tâm hồn, anh chị em tham dự một cách đặc biệt vào Hy tế Thánh Thể nói lên. Chúng tôi chắc chắn rằng trong giây phút trong đó chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối và những giới hạn của bản thân, thì lúc đó sức mạnh của Bí tích Thánh Thể có thể là một trợ lực to lớn. Kết hiệp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, chúng ta gặp được câu trả lời cho những vấn nạn đầy lo âu về đau khổ và sự chết, nhất là khi bệnh tật giáng xuống trên những trẻ em vô tội. (trích Tông thư năm Thánh Thể 2005 – số 23 – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).
Sinh hoạt trong tuần
-  Họ Micae trực:  Thứ tự: (L-T-M-P-V)
CN IV Phục sinh 26-4:
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.


---------------------------------------------

Lời Chúa Hằng Ngày

Thứ Bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42
"Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.
Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: "Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi". Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.
Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: "Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi". Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: "Tabitha, hãy chỗi dậy". Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? (c. 12)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. - Ðáp.
3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 61-70
"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Bài Tin Mừng cho thấy hai thái độ trái ngược nhau trước những lời giảng của Ðức Giêsu: Một bên nhiều môn đệ rút lui, không theo Người nữa vì thấy chướng tai quá, không thể chấp nhận nổi - một bên Phêrô đại diện tuyên xưng và tin nhận rằng chỉ có Chúa mới là lý tưởng, chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống, và họ đi theo Người.
Trong cuộc sống thực tế nơi gia đình, khu xóm, công sở... chúng ta vẫn gặp bao điều trái ý. Nhưng trước những điều đó, chúng ta có cái nhìn như thế nào? Tin hay không tin? Chấp nhận hay không chấp nhận? Chúng ta có vững tin để đón nhận giáo huấn của Ngài không?

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, đi theo và sống theo đường lối Chúa, chúng con phải chấp nhận nhiều điều không hợp với ý chúng con. Nhưng chúng con biết nhận ra Chúa là lý tưởng duy nhất của chúng con. Ngoài Chúa ra, không ai trên trần gian này có thể cho chúng con sự sống, hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.